NGỌN NÚI VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁM PHÁ

Có bao giờ anh chị em tự đặt câu hỏi tại sao những mối quan hệ từ thời thơ ấu, lúc mơ mộng thời niên thiếu đã từng rất vui vẻ với nhau, thứ tình cảm chân thành, ngây ngô và bay bổng những ngày đó càng lớn lên lại càng phai nhạt. Rất ít những người bạn học cùng tiểu học, trung học có thể giữ liên lạc với nhau mãi khi thời gian trôi đi kéo chúng ta tuột về độ trưởng thành rồi trung niên. Để hôm nay Huy trình bày cho anh chị em về một góc nhìn của Huy.

Như anh chị em có thể tìm hiểu, đến hiện tại chỉ có khoảng 0.000125% trong 8 tỉ dân có thể chinh phục đỉnh Everest. Những nơi ít người sinh sống nhất lại chính là những dãy núi hùng vĩ, những ngọn đồi đồ sộ. Vì những thứ càng hùng vĩ, càng sâu thẳm, càng bí ẩn lại càng gợi lại một loại cảm xúc mãnh liệt đã di truyền trong ADN của loài người qua bao cuộc tiến hóa – nỗi sợ. Từ khi còn là loài vượn cổ, chốn đồi núi hiểm trở, nơi rừng thiêng nước độc, luôn tiềm tàng những rủi ro đến tính mạng của thế hệ loài người đầu tiên và nó đã hằn sâu vào trong tiềm thức, trở thành một loại cảm xúc di truyền đến con người hiện đại chúng ta ngày nay. Vậy Huy kể câu chuyện này có ý nghĩa gì?

NGỌN NÚI VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁM PHÁ


Khi tuổi tác ngày một gia tăng, nếu chúng ta đưa bản thân phát triển đúng quỹ đạo, cả về thể chất, tinh thần, não trạng dẫn đến những kết quả thể hiện qua khía cạnh xã hội như thu nhập, địa vị, học thức, tư duy… Khi đó, chúng ta sẽ dần trở thành những thứ có chiều sâu, có đủ sự bí ẩn và rủi ro khi tiếp xúc như những ngọn núi hùng vĩ, những khu rừng bạt ngàn. Không phải chúng ta không biết cách đối nhân xử thế, không phải chúng ta thay lòng đổi dạ, mà chỉ là vì thế giới quan của những người từng thân quen với chúng ta dần trở nên không còn đồng điệu nữa. Khi họ không còn đủ sự quan tâm, sự ham muốn được tìm hiểu về chiều sâu của thứ gai góc, hiểm trở như bản thân anh chị em ở thời điểm hiện tại thì tất nhiên quỹ đạo của cuộc sống sẽ kéo chúng ta xa rời nhau vì tần số giao thoa giữa chúng ta không còn mãnh liệt nữa. Thuở nhỏ, chúng ta kết giao với nhau bằng những sự tương đồng về sở thích, môi trường, tính cách. Khi lớn lên, chúng ta kết giao với nhau bằng những giá trị, góc nhìn và niềm tin.

Khi biến đổi địa chất, những ngọn núi được tạo nên dần phải xa rời đồng bằng, cây cỏ. Chúng ta cũng vậy, khi bản thân phát triển theo thời gian, những con người không còn chia sẻ những giá trị chung phải tách rời khỏi chúng ta. Đừng trách người cũng đừng trách mình, đó là quy luật của cuộc sống. Anh chị em không thể bắt những người bạn thuở nhỏ phải chia sẻ cùng những cách tư duy, niềm tin và mục tiêu trong cuộc sống với mình cũng đồng nghĩa với việc anh chị em không thể sống mãi trong những sở thích, môi trường thuở nhỏ và để bản thân mắc kẹt ở đó.

NGỌN NÚI VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁM PHÁ


Chúng ta chỉ có thể nỗ lực vì hiện tại và tương lai chứ không thể thay đổi quá khứ. Những kỷ niệm thời thơ ấu, đó sẽ mãi là một món quà đẹp đẽ mà chúng ta cất gọn vào kho tiềm thức. Những người còn ở lại, chính là những người vẫn quan tâm thực sự đến thứ kỳ quan hùng vĩ, họ vẫn muốn tìm hiểu thêm về những chiều sâu bên trong con người chúng ta qua sự biến đổi theo thời gian, vượt qua nỗi sợ hãi bằng sự tò mò và ham muốn thấu hiểu đủ lớn, cùng xây dựng những niềm tin và giá trị tương đồng. Nhiều ngọn núi sẽ tạo thành dãy núi đồ sộ và oai phong hơn. 

Hãy trân trọng những mối quan hệ ở hiện tại, vì đó chính là những bồi đắp địa chất tạo nên ngọn núi hùng vĩ mai sau. Những mối quan hệ từ quá khứ đến nay vẫn còn được duy trì, hãy cực kỳ trân quý nhưng cũng phải tập nhìn nhận đó như những mối quan hệ mới để tư duy mình được mở rộng và chào đón nhau, chấp nhận sự phát triển của nhau, chia sẻ những giá trị và niềm tin mới, chứ không phải đem những vết hằn và lối mòn suy nghĩ đã cũ từ những con người trong quá khứ để làm nền tảng cho mối quan hệ. Nếu như vậy thứ duy nhất có thể tồn tại đó chỉ là cảm xúc tiêu cực - sự sợ hãi.


NGỌN NÚI VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁM PHÁ
Sự đồ sộ và hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn



Post a Comment

0 Comments