Giáo dục không phải là ngồi mòn ghế, cắm đầu vào sách vở và lấy điểm cao!

Câu chuyện là dạo gần đây, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, mình lại dấn thân vào giới "ông đồ bà giáo". Nhưng thay vì chỉ cho đám nhỏ cách chơi thể thao và hòa mình vào đam mê cháy bỏng, đầy niềm vui như ngày xưa mình đã từng làm thì bây giờ mình trở lại với một hình mẫu nhà giáo nghiêm túc hơn, nơi gửi gắm bao nhiêu niềm hy vọng của các bậc phụ huynh, những khách hàng nhưng lại không phải người tiêu thụ trực tiếp. Trớ trêu thay, bây giờ mình lại đang trở thành hình mẫu của những con người mà thuở nhỏ mình đã rất ngán gặp mặt.

Thời còn áo trắng hóa màu cháo lòng, mang dép lê lẹt bẹt, khăn quàng thắt xệ đến rốn, mình đã từng là một thành phần bị các “ông thầy, bà cô” cho vào ống ngắm. Mình cũng chẳng có thiện cảm nỗi với những người cầm phấn đó và những thứ mà họ truyền đạt. Nói thẳng ra là mình thấy thời điểm đó như mình bị bội thực với việc học. Đến khi đi giảng dạy cho thế hệ hiện tại, khoảng cách 1 thập kỉ, mình đã nghĩ mọi thứ phải tiên tiến hơn và việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ cũng vậy. Nhưng thực tế là, việc học hành mà mình cảm thấy chán ngấy ngày đó, chỉ là bữa điểm tâm nếu đem so với thế hệ ngày nay. Ngồi nghe các em kể về lịch trình học trong một tuần mà vừa thấy thương, vừa thấy ghét. Thương vì cái các em đang làm, không phải là thứ khiến các em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với lứa tuổi của mình. Những ánh mắt mệt mỏi cố căng lên để ghi ghi chép chép, nghe những thứ kiến thức mà bao thế hệ "đồng trang phải lứa" khác đều phải nghe - chán òm và thiếu thực tế. Lại càng ghét các em hơn vì đa phần những bạn đang ngồi trong lớp của mình, là những bạn không dám phá vỡ những nguyên tắc, bản lề mà gia đình, xã hội đã định ra hoặc cũng có thể những khuôn mẫu đó quá nặng nề và cứng nhắc, xiềng xích và kìm hãm khiến các bạn không dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Giáo dục không phải là ngồi mòn ghế, cắm đầu vào sách vở và lấy điểm cao!
Hình ảnh đại ca "Suýt Nữa Hào Hoa" trốn học tung hoành ở các hồ câu gây chao đảo giới cầm phấn được một người dân ghi lại năm một chín hồi đó


Vậy việc các bậc phụ huynh cứ bắt ép con mình phải học, để trở thành những hình mẫu "vĩ đại" trong xã hội như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… mục đích có phải vì tương lai của con cái mình? Hay chỉ vì cái hình thức cần xây dựng để đi đối đáp cùng họ hàng, lối xóm – nói trắng ra là cái sĩ diện ấy.

Mình đã tiếp xúc với khá nhiều bạn học sinh, các bạn có các kỹ năng rất đặc biệt, tư duy tốt, giàu sức sáng tạo… nhưng tất cả những gì các bạn được phép làm là bó mình lại trong những khuôn khổ của các môn học phổ thông, để nuôi dưỡng khát khao trở thành những hình mẫu mà gia đình các bạn mong muốn.

Giáo dục không phải là ngồi mòn ghế, cắm đầu vào sách vở và lấy điểm cao!


Đến cuối cùng thì thứ chúng ta đi tìm trong cuộc sống này là hạnh phúc. Định nghĩa hạnh phúc với mỗi người là khác nhau. Có người thì tìm kiếm quyền cao chức rộng, tiền tài địa vị, hay đôi khi chỉ đơn giản là sức khỏe, an yên. Các bậc làm Cha làm Mẹ đang áp đặt những mong muốn được hãnh diện của mình là niềm hạnh phúc của con cái. Không phải cứ là bác sĩ, giáo viên thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc và không phải cứ điểm trên lớp cao thì địa vị xã hội và thu nhập cũng thế. Cuộc sống của những đứa trẻ còn bao gồm nhiều thứ chứ không phải chỉ riêng chiếc bàn học. Và cũng còn muôn vàn thứ cần được dạy và học ngoài kia chứ không chỉ riêng cuốn Sách Giáo Khoa.

Post a Comment

0 Comments