Xã hội chết là thế nào? Chính là một xã hội với đầy rẫy sự vô tâm. Vô có nghĩa là “không có”, tâm có nghĩa là “trái tim” – “Vô tâm” có nghĩa là “không có trái tim”. Làm sao con người có thể tồn tại mà “không có trái tim”? Đó chính là trong xã hội chết, khi những hành động vô tâm ngày càng trở nên bình thường hóa và có hàng tá những công cụ tiếp tay cho nó.
Vợ chồng vô tâm với nhau. Vòng xoáy cơm áo gạo tiền cứ cuốn chúng ta đi, cả ngày vật lộn với cuộc sống, xã hội, đêm về 2 người “đầu gối tay ấp” lại chẳng dành cho nhau những sự hỏi han, chia sẻ. Mỗi người chọn 1 thiết bị điện tử để vùi mình vào đó mà chẳng cần biết người bạn đời của mình đang chất chứa những nỗi niềm gì.
Cha mẹ và con cái vô tâm với nhau. Cha mẹ thì cứ đem lý do là kiếm tiền lo cho con để rồi ép con cái vào guồng quay như mọi hình mẫu “con nhà người ta” khác. Chỉ được mặc định làm 2 thứ: ăn và học, nhưng lại được kì vọng để trở thành hào kiệt xuất chúng, dạn dày sương gió. Sống trong vỏ bọc kì vọng như vậy thì đứa trẻ có được những gì? Chúng cũng mang trong mình những tư duy anh hùng, bất khuất với đầy những va vấp và trải nghiệm trên “thế giới ảo”. Và đem vào áp dụng trong cuộc sống thật là gì? Cãi lời cha mẹ, bất hảo với bạn bè, phân biệt giai cấp, khinh thường những người không có được điều kiện tốt như chúng. Chính thế hệ măng non mang trong mình hệ tư tưởng yếu kém này sẽ tạo nên 1 xã hội vô tâm.
Quy nạp lại, mọi bức tranh đều được hình thành từ những mảnh ghép. Một xã hội mà trong đó những quần thể nhỏ, với các cá thể gần gũi, gắn kết với nhau nhất là gia đình còn không trao cho nhau được những sự tử tế, đồng cảm, thì lấy đâu ra tới tầm nhìn vĩ mô hơn?
Hãy đem lý trí bỏ vào công việc, đam mê nhưng trái tim luôn hướng về những người thân cận xung quanh. Khi chúng ta có sự đồng cảm, yêu thương với những người gần nhất, thì năng lượng đó sẽ được lan tỏa. Muốn xây được một con đường thì phải bắt đầu từ những viên gạch. Hãy cùng góp phần tạo nên một xã hội sống thực sự!
0 Comments
Cùng nhau tự do chia sẻ những góc nhìn tại đây